Theo quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020, Các Doanh Nghiệp trên toàn quốc bắt buộc phải chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang sử dụng hóa đơn điện tử, thời gian cuối cùng là trước ngày 01/07/2022.
Vì vậy, để nắm rõ hơn về khái niệm, lợi ích, quy trình đăng ký, các vấn đề cần biết khi sử dụng và thông tin các thương hiệu hóa đơn điện tử uy tín, hãy cùng Kê khai điện tử tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này.
Hóa đơn điện tử là gì?
Hoá đơn điện tử (HDDT) là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Hóa đơn điện tử đảm bảo nguyên tắc: xác định được số hóa đơn theo nguyên tắc liên tục và trình tự thời gian, mỗi số hóa đơn đảm bảo chỉ được lập và sử dụng một lần duy nhất.
Hoá đơn điện tử được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức đã được cấp mã số thuế khi mua bán hàng hoá, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Nội dung của hóa đơn điện tử
Theo quy định, hóa đơn điện tử phải có các nội dung sau:
- Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số, số thứ tự hóa đơn thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 1 Thông tư số 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán.
- Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua.
- Tên hàng hóa – dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá – dịch vụ, thành tiền ghi bằng số và bằng chữ.Đối với hóa đơn giá trị gia tăng, ngoài dòng đơn giá là giá chưa có thuế giá trị gia tăng, phải có dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền phải thanh toán ghi bằng số và bằng chữ.
- Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập hóa đơn và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.
- Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Chữ số ghi trên hóa đơn là các chữ số tự nhiên: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.); nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị. Trường hợp không có quy định cụ thể giữa người mua và người bán về ngôn ngữ sử dụng trong việc lập hóa đơn điện tử để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thì ngôn ngữ được sử dụng trên hóa đơn điện tử (hóa đơn xuất khẩu) là tiếng Anh.
- Trường hợp sử dụng dấu phân cách là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị để ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử phải ghi rõ tại Thông báo phát hành hóa đơn điện tử nội dung này.
Một số trường hợp hóa đơn điện tử không có đầy đủ các nội dung bắt buộc được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
Xem thêm: Thông tư 32/2011/TT-BTC
Các loại hóa đơn điện tử
Theo quy định trong các thông tư, nghị định liên quan, cũng giống như hóa đơn giấy thì hóa đơn điện tử bao gồm các loại sau:
Hóa đơn giá trị gia tăng: là hóa đơn gửi người mua hàng khi bên bán cung cấp hàng hóa và dịch vụ, sử dụng cho tổ chức áp dụng phương pháp nộp thuế khấu trừ . Đây là loại hóa đơn phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam.
Hóa đơn bán hàng: chia làm 2 loại dùng có các đối tượng sau:
- Hóa đơn bán hàng trực tiếp: Là hóa đơn sử dụng cho các tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường học.
- Hóa đơn xuất khẩu: (hay còn gọi là hóa đơn bán hàng dành cho tổ chức,cá nhân trong khu phi thuế quan) Là hóa đơn sử dụng cho các tổ chức trong khu phi thuế quan khi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vào nội địa hoặc các khu phi thuế quan và một số trường hợp được coi như xuất khẩu theo quy định trong thông lệ quốc tế và pháp luật về thương mại.
Các loại được tính là hóa đơn khác: bao gồm Tem, Vé, Phiếu thu tiền bảo hiểm, Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không, Chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, Chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng,..
Hóa đơn điện tử bán tài sản công: là hóa đơn được Bộ Tài chính ban hành và in theo Mẫu số 08/TSC-HĐ nhằm sử dụng khi thực hiện bán những loại tài sản công tại tổ chức, cơ quan nhà nước như tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước,…
Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia: Là loại chứng từ do đơn vị dự trữ bán hàng dự trữ quốc gia lập và thực hiện ghi nhận thông tin bán hàng dự trữ quốc gia theo quy định.
Xem thêm: Các mẫu hóa đơn điện tử phổ biến
Ngoại trừ các loại hóa đơn trên, trong quá trình làm việc về hóa đơn chứng từ, các kế toán có thể sẽ biết tới các thuật ngữ hóa đơn điện tử khác như sau:
Hóa đơn điện tử chuyển đổi (hay hóa đơn chuyển đổi): Là hóa đơn giấy được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Phản ánh toàn vẹn nội dung của hóa đơn điện tử gốc.
- Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy như “Hóa đơn chuyển đổi từ hóa đơn điện tử”.
- Có chữ ký và họ tên của người thực hiện nghiệp vụ chuyển đổi từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy.
Hóa đơn điện tử có mã xác thực (mã của cơ quan thuế): Là loại hóa đơn điện tử được cấp mã của cơ quan thuế thông qua hệ thống cấp mã xác thực cho hóa đơn của Tổng cục thuế. Bên bán cần ký điện tử lên hóa đơn khi cơ quan thuế cấp mã xác thực và số hóa đơn xác thực. Tổ chức, doanh nghiệp không phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cho loại hóa đơn này. Loại hóa đơn này chủ yếu dùng cho các doanh nghiệp thuộc diện rủi ro về Thuế do Cơ Quan Thuế bắt buộc sử dụng.
Phân biệt hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy
Sử dụng hóa đơn điện tử là để tối ưu hóa và khắc phục các nhược điểm mà hóa đơn giấy còn tồn tại. Dưới đây là bảng so sánh các đặc điểm nhận diện của 2 loại hóa đơn này:
Đặc điểm | HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ | HÓA ĐƠN GIẤY |
---|---|---|
Ký hiệu/ Serial | AA/21E | AA/17P |
Mẫu số/ số Liên | Mẫu số: 01GTKT0/001 Không có liên | Mẫu số: 01GTKT3/001 Có 3 liên: Liên 1 và liên 3: Giữ lại Liên 2: Giao khách |
Chữ ký | Chữ ký điện tử | Ký sống, đóng dấu |
Hình thức lưu trữ | Lưu trữ trên server, máy tính, thiết bị điện tử hoặc lưu bản chuyển đổi hóa đơn điện tử ra hóa đơn giấy. | Lưu kho các bản cứng hóa đơn giấy. |
Cách tra cứu hóa đơn | Tra cứu thông qua website tra cứu của nhà cung cấp hóa đơn hoặc các thiết bị điện tử lưu trữ. | Thông qua kho lưu trữ |
Tại sao nên sử dụng hóa đơn điện tử?
Trong thời đại 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, phát triển kinh doanh đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, chuyển đổi hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử cũng vậy.

1. Tiết kiệm thời gian, chi phí
Kế toán là công việc cần đòi hỏi rất nhiều thời gian. Trước đây, bạn cần dùng hàng giờ để viết từng tờ hóa đơn giấy, đối chiếu chứng từ, sổ sách, trình duyệt hóa đơn để giám đốc, kế toán trưởng ký, rồi gửi hóa đơn qua thư hoặc chuyển phát nhanh cho đối tác.
Hiện tại, khi áp dụng hệ thống phần mềm hóa đơn điện tử, thời gian để thực hiện quy trình xuất hóa đơn đã cực kỳ đơn giản và nhanh gọn thông qua các ứng dụng online:
- Kế toán sử dụng các ứng dụng, phần mềm kế toán, quản lý đã kết nối sẵn với hệ thống hóa đơn điện tử để kết xuất số liệu và tạo lập hóa đơn điện tử. Không tốn nhiều thời gian kiểm tra số liệu và viết hóa đơn giấy như trước.
- Việc trình ký hóa đơn dễ dàng thông qua hệ thống phân quyền, giám đốc/ kế toán trưởng sử dụng tài khoản quản lý để kiểm tra và ký điện tử hoặc kế toán viên chủ động ký điện tử bằng chữ ký số của doanh nghiệp, không cần đợi thời gian trình duyệt.
- Gửi Email thông tin hóa đơn cho đối tác, có thể kiểm tra thông tin hóa đơn trực tiếp trên website tra cứu hoặc các ứng dụng hỗ trợ khác. Không cần đợi quá trình chuyển phát, tránh rủi ro thất lạc hóa đơn.
Doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giảm toàn bộ chi phí in ấn, vận chuyển và lưu trữ hóa đơn giấy. Hóa đơn điện tử được lưu trực tiếp trên server của nhà cung cấp hóa đơn điện tử hoặc có thể sao lưu file tùy nhu cầu của từng doanh nghiệp.
2. Bảo mật an toàn
Áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính và đơn giản hơn trong công tác quản lý, lưu trữ hóa đơn, không lo bị rách, cháy, hỏng,… trong các doanh nghiệp.
Hóa đơn điện tử được viết theo chuẩn XML theo quy định của pháp luật và được ký điện tử bằng chữ ký số thay cho con dấu doanh nghiệp khi sử dụng hóa đơn giấy. Người mua có thể kiểm tra, xác thực thông tin qua website tra cứu hóa đơn của nhà cung cấp hóa đơn điện tử hoặc các công cụ bổ trợ tra cứu do Thuế cung cấp.
3. Xóa sổ nạn buôn bán hóa đơn, chứng từ
Buôn bán hóa đơn, chứng từ giả là hành vi vi phạm pháp luật. Từ lâu, vấn nạn này đã trở thành mối lo ngại và rào cản cho công tác quản lý, truy thu Thuế của Nhà Nước.
Khi áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc, các doanh nghiệp bắt buộc phải công khai mình bạch về các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ của mình. Việc này sẽ đẩy lùi tình trạng buôn bán hóa đơn, chứng từ giả, tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi giao dịch trên thị trường.
Điều kiện để được sử dụng hóa đơn điện tử
Doanh nghiệp phải đủ điều kiện mới có thể chuyển đổi hóa đơn giấy sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Theo khoản 2, Điều 4, Thông tư 32/2011/TT-BTC quy định, các tổ chức, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ 6 điều kiện sau để có thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử:
- Là tổ chức kinh tế có đủ điều kiện và đang thực hiện giao dịch điện tử trong khai thuế với cơ quan thuế; hoặc là tổ chức kinh tế có sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.
- Có địa điểm, các đường truyền tải thông tin, mạng thông tin, thiết bị truyền tin đáp ứng yêu cầu khai thác, kiểm soát, xử lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ hoá đơn điện tử;
- Có đội ngũ người thực thi đủ trình độ, khả năng tương xứng với yêu cầu để thực hiện việc khởi tạo, lập, sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định;
- Có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.
- Có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hoá đơn.
- Có các quy trình sao lưu dữ liệu, khôi phục dữ liệu, lưu trữ dữ liệu đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về chất lượng lưu trữ bao gồm:
- Hệ thống lưu trữ dữ liệu phải đáp ứng hoặc được chứng minh là tương thích với các chuẩn mực về hệ thống lưu trữ dữ liệu.
- Có quy trình sao lưu và phục hồi dữ liệu khi hệ thống gặp sự cố: đảm bảo sao lưu dữ liệu của hóa đơn điện tử ra các vật mang tin hoặc sao lưu trực tuyến toàn bộ dữ liệu.
Thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử
Hồ sơ đăng ký
Để đăng ký sử dụng HDDT, doanh nghiệp, tổ chức cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
- Mẫu hóa đơn điện tử
- Quyết định áp dụng hóa đơn điện tử
- Thông báo phát hành hóa đơn điện tử
Các hồ sơ trên sẽ được nhà cung cấp hóa đơn tư vấn và cung cấp biểu mẫu doanh nghiệp đăng ký. Doanh nghiệp nộp tờ khai thông báo phát hành hóa đơn trực tiếp qua website thuedientu.gdt.gov.vn hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan thuế quản lý.
Quy trình đăng ký phát hành hóa đơn qua mạng
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, bao gồm: hình mẫu hóa đơn điện tử, mẫu hóa đơn chuyển đổi từ hóa đơn điện tử, quyết định sử dụng hóa đơn đã ký đóng dấu, thông báo phát hành hóa đơn đã ký đóng dấu.
Bước 2: Nộp tờ khai thông báo phát hành hóa đơn qua tài khoản Thuế điện tử.
Bước 3: Đính kèm phụ lục tờ khai thông báo phát hành hóa đơn. File phụ lục phải là file định dạng word và bao gồm: hình mẫu hóa đơn điện tử, hình mẫu hóa đơn chuyển đổi, hình quyết định sử dụng hóa đơn đã ký, hình thông báo phát hành hóa đơn đã ký. Lưu ý file này không quá 5 MB.
Bước 4: Sau khi nộp thông báo phát hành hóa đơn, Cơ quan thuế tiếp nhận, duyệt tờ khai thông báo phát hành hoa đơn và đăng tải kết quả sau 2 – 3 ngày. Doanh nghiệp có thể chủ động tra cứu kết quả duyệt thông báo phát hành theo đường link sau: http://tracuuhoadon.gdt.gov.vn/tbphtc.html.
Lưu ý: Nếu có lỗi của thông báo, cán bộ thuế sẽ phản hồi qua email giao dịch của tài khoản thuế điện tử hoặc qua số điện thoại đăng ký liên hệ trên tài khoản thuế.
Một số điều cần biết khi sử dụng hóa đơn điện tử
Trong quá trình sử dụng HDDT, để nắm rõ được các quy định, quy trình nghiệp vụ trong quá trình sử dụng hóa đơn, kế toán doanh nghiệp cần tìm hiểu một số điều sau đây.

1. Có thể sử dụng song song hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy
Doanh nghiệp có thể đăng ký phát hành hóa đơn điện tử và sử dụng song song cùng hóa đơn giấy. Tuy nhiên cần phải lưu ý 1 số điểm dưới đây:
- Cùng một nghiệp vụ phát sinh doanh thu không được thực hiện xuất bằng cả 2 hình thức hóa đơn. Ví dụ: Nghiệp vụ A đã sử dụng hóa đơn điện tử thì không được xuất bằng hóa đơn đặt in, tự in và ngược lại.
- Chỉ sử dụng song song hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy với các mặt hàng, dịch vụ khác nhau. Ví dụ: Mặt hàng A sử dụng hóa đơn điện tử, mặt hàng B có thể sử dụng hóa đơn giấy.
2. Hóa đơn điện tử không có ngày ký có hợp lệ không?
Theo quy định các nội dung bắt buộc thể hiện trên hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử bắt buộc phải có ngày lập nhưng không bắt buộc có ngày ký. Vì vậy, thông thường hóa đơn điện tử không yêu cầu ngày ký. Tuy nhiên, theo quy định về thời điểm xuất hóa đơn là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ, nên thực tế ngày lập hóa đơn và ngày ký hóa đơn sẽ trùng nhau.
Trường hợp hóa đơn điện tử thể hiện ngày lập hóa đơn và ngày ký hóa đơn khác nhau được cơ quan thuế quy định là không hợp lệ. Đây là những hóa đơn xuất sai thời điểm và có thể bị cơ quan thuế xử phạt, loại trừ chi phí. Do vậy, các kế toán bên bán và bên mua cần đặc biệt lưu ý lựa chọn nhà cung cấp hóa đơn điện tử uy tín, nghiệp vụ chính xác, tuân thủ đúng quy định nhằm tránh những vướng mắc không đáng có.
3. Định dạng của HDDT
Theo Thông tư 68/2019/TT-BTC: “Định dạng hóa đơn điện tử là tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểu dữ liệu, chiều dài dữ liệu của các trường thông tin phục vụ truyền nhận, lưu trữ và hiển thị hóa đơn điện tử”. Định dạng hóa đơn điện tử là XML (viết tắt của cụm từ Extensible Markup Language) được tạo ra với mục đích chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các hệ thống công nghệ thông tin với nhau.
Ngoài ra, hóa đơn điện tử vẫn thể hiện ở định dạng PDF để kế toán dễ dàng hơn trong việc nhập và xuất số liệu kế toán.
Xem thêm thông tư 68/2019/TT-BTC
4. Hóa đơn điện tử hợp lệ phải thỏa mãn điều kiện gì
- Đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin
- Thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.
- Hóa đơn điện tử hợp lệ phải có các chỉ tiêu sau đây
- Tên, ký hiệu, ký hiệu mẫu, số hóa đơn.
- Thời điểm lập hóa đơn.
- Tên, địa chỉ, mã số thuế người bán.
- Tên, địa chỉ, mã số thuế người mua (nếu có).
- Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá của hàng hóa, dịch vụ, tổng tiền trước thuế, thuế suất thuế GTGT, tiền thuế, tổng tiền thanh toán, số tiền bằng chữ (Các trường hợp đặc thù như hóa đơn bán hàng hoặc trực tiếp,.. sẽ không có thuế suất và tiền thuế)
- Chữ ký số (điện tử) người bán.
- Chữ ký số (điện tử) người mua.
- Mã tra cứu hoặc mã của cơ quan thuế (nếu có).
5. Hóa đơn điện tử có được đính kèm bảng kê không
Theo Khoản 3, Điều 3, Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính. Công ty không được lập hóa điện tử không có danh mục hàng hóa mà lại kèm theo bảng kê hàng hóa bản giấy cho khách hàng.
Trường hợp công ty chuyển đổi hóa đơn điện tử ra giấy, nếu danh mục hàng hóa, dịch vụ bán ra nhiều hơn số dòng của một trang hóa đơn thì công ty thực hiện tương tự trường hợp sử dụng hóa đơn tự in mà việc lập và in hóa đơn thực hiện trực tiếp từ phần mềm và số lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra nhiều hơn số dòng của một trang hóa đơn, cụ thể:
Công ty được thể hiện hóa đơn nhiều hơn một trang nếu trên phần đầu trang sau của hóa đơn có hiển thị: cùng số hóa đơn như của trang đầu (do hệ thống máy tính cấp tự động); cùng tên, địa chỉ, MST của người mua, người bán như trang đầu; cùng mẫu và ký hiệu hóa đơn như trang đầu; kèm theo ghi chú bằng tiếng Việt không dấu “tiếp theo trang trước – trang X/Y” (trong đó X là số thứ tự trang và Y là tổng số trang của hóa đơn đó).
Như vậy, khi xuất hóa đơn điện tử thì số dòng của hóa đơn không bị giới hạn vì vậy khi xuất hóa đơn điện tử không cần kèm bảng kê và sẽ xuất hóa đơn nhiều trang.
6. Hóa đơn điện tử có được lùi ngày ký, cách số hóa đơn
Căn cứ Thông tư 39/2014/TT-BTC mục a, khoản 2, điều 16
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu tiền.
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành cung cấp dịch vụ hoặc đã lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu tiền.
- Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Như vậy, HDDT không cho phép ký lùi ngày và cách số hóa đơn.
7. Hóa đơn chuyển đổi từ HDDT
Hóa đơn chuyển đổi phải được thể hiện đầy đủ nội dung của hóa đơn điện tử được quy định tại Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của bộ tài chính.
Hóa đơn chuyển đổi chỉ được chuyển đổi 1 lần và được sử dụng với mục đích để giải trình với Cơ quan pháp luật trong trường hợp hàng hóa cần chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ đi đường.
8. Thời điểm bắt buộc chuyển đổi sử dụng HDDT
Tại Điều 59, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Chính Phủ đã khẳng định một số quy định trong các Thông Tư, Nghị định đã ban hành trước đó sẽ bị bãi bỏ. Cụ thể:
Khoản 2: Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30 tháng 6 năm 2022.
Khoản 3: Bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020.
Khoản 4: Bãi bỏ khoản 12 Điều 5 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.

Như vậy, quy định bắt buộc chuyển đổi hóa đơn điện tử trước ngày 01/11/2020 sẽ bị bãi bỏ theo nghị định mới này. Thay vào đó, thời điểm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020 là kể từ ngày 01/07/2022.
Xem thêm Nghị định 123/2020
Một số nhà cung cấp HDDT uy tín hiện nay
Dưới đây là một số thương hiệu hóa đơn thông dụng và uy tín trên thị trường hiện nay, các bạn có thể tham khảo chi tiết ở những bài viết liên quan:
- EASY-INVOICE – SOFTDREAMS
- S-INVOICE – VIETTEL
- eHoadon – BKAV
- E-INVOICE – THÁI SƠN
- M-Invoice – MISA
- VNPT – EINVOICE
- FPT.EInvoice
- AZ-INVOICE – LCD VIỆT NAM
Kết luận
Thông qua bài viết trên, chúng ta đã có được thông tin đầy đủ nhất cho câu hỏi hóa đơn điện tử là gì cũng như các ưu điểm của loại hóa đơn này. Chúng tôi hiện đang hợp tác cung cấp tất cả các thương hiệu hóa đơn điện tử nêu trên. Khi có nhu cầu tìm hiểu và đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ chúng tôi qua một trong số các kênh sau:
- Hotline: 0942 345 755
- Zalo: 0388 355 907
- Facebook: @dvkekhaidientu
- Email: info.kekhaidientu@gmail.com
- Website: kekhaidientu.com